Xô Viết Thanh Chương

1. Nguyên nhân bùng nổ phong trào Xô viết Thanh Chương

Phong trào Xô viết Thanh Chương diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ giành được chính quyền sớm do các nguyên nhân sau:

  • Điều kiện tự nhiên:

Thanh Chương xưa là đất động trại, là nơi cốt yếu của vùng biên. Nam giáp Hương Sơn, Tây giáp Trà Lâm, Đông Bắc giáp Anh Đô. Huyện gồm 6 tổng Đặng Sơn, Cát Ngạn, Võ Liệt, Bích Triều, Thổ Hào, Nam Hoa.

Trong "Thanh Chương huyện chí", Bùi Dương Lịch đã nhận xét Thanh Chương là "một miền quê non nước hữu tình"

Thiên nhiên không hào phóng ban tặng cho Thanh Chương những tài nguyên sẵn có nhưng những dáng sông, thế núi cũng đủ cho con người nuôi nghĩa nặng, chí bền. Những Giăng Màn, Kinh Nghê, Đại Can, Tháp Bút, núi Ngọc, dòng Lam đã đi vào lịch sử và thơ, ca, nhạc, hoạ.

Trường Sơn đại ngàn dằng dặc - rừng nguyên sinh. Rào Cấy - sông Lam chảy qua nhiều huyện, xẻ dọc Thanh Chương tuôn về biển cả; lũ thì gầm gào, nhưng quanh năm trong xanh, êm ả. Đôi bờ sông Lam mịn đất phù sa mướt xanh ngô, dâu, đậu, lạc. Tuy đất Thanh Chương thì trù phú nhưng con người Thanh Chương phải cật lực mới nuôi nổi mình. Có lẽ vì thế mà thời Lê Thánh Tông còn gọi miền đất này là vùng trại, một vùng lưu giữ lịch sử bằng tên nước, tên làng, vùng đất đầy sức tươi trẻ của hào khí dân tộc.

  • Truyền thống quê hương:

Trước năm 1930, nhân dân Thanh Chương đã từng hưởng ứng, tham gia cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường do Mai Thúc Loan lãnh đạo, chặn hướng tiến quân ra Bắc của quân Nguyên Mông, ủng hộ quân Lê Lợi đánh tan quân Minh. Trong thời Vua Lê, chúa Trịnh, Thanh Chương là cứ điểm của nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu, là nơi đóng quân của nghĩa quân Lê Duy Mật. Nhân dân Thanh Chương ủng hộ phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du....

Thanh Chương là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và yêu nước. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thanh Chương đã đứng đầu, dậy trước, tổ chức các cuộc biểu tình, đấu tranh oanh liệt. Cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 là dấu mốc mở đầu cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 trong toàn quốc.

Bề dày lịch sử văn hoá, truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống cần cù, chịu khó, hiếu học và khoa bảng đã tạo nên bản sắc văn hoá con người Thanh Chương. Mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mỗi tên đất, tên làng đều ghi bao dấu tích lịch sử, bao kỳ tích anh hùng mà đến nay vẫn còn sục sôi khí thế đấu tranh vì công lý, vì bác ái của các bậc tiền nhân.

  • Phẩm chất con người Thanh Chương:

Người dân ở đây gan góc, thông minh, sống trọng tình nghĩa, nhưng cũng vì thế mà không kém cực đoan, bảo thủ.

Người Thanh Chương mang đầy đủ tính cách người Nghệ như giàu nghĩa khí, kiên cường, bất khuất, cần cù, chịu khó, thẳng thắn bộc trực... vì thế mà có người đã đúc kết: "Người Nghệ An thật mà người Thanh Chương thì rành chi là thật, thật đi liền với giản dị, không thích hoa lá, khéo léo bề ngoài".

Thời nào, đất và người Thanh Chương cũng có những đóng góp xứng đáng với quê hương, đất nước; tự hào với lời ngợi khen của các sĩ phu yêu nước Nghệ Tĩnh cuối thế kỉ XIX: "Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn, Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chiến đấu.".

Hoàn cảnh địa lý, bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống tốt đẹp của địa phương đã tạo nên bản sắc con người Thanh Chương chất phác, thật thà, rất mực cần cù, tiết kiệm, giản dị, hiếu học, cương trực, khảng khái, giàu đức hi sinh, nghị lực, ý chí mạnh, quyết tâm cao.... (T34, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương).

  • Chính sách bóc lột của thực dân Pháp và chính quyền tay sai:

Từ sau Chiến tranh thế giới I, thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa như: Cướp đoạt ruộng đất và khai khẩn đất hoang phục vụ mục đích của chúng; bắt thanh niên trai tráng đi đồn điền, nhà máy, khai thác mỏ than; áp đặt nhiều loại thuế mới như thuế rượu, thuế muối, thuế thuốc phiện..... khiến cho nhân dân cùng cực, lầm than.

Thực dân Pháp nắm độc quyền khai thác lâm thổ sản. Chúng lập ra các trạm kiểm soát để đánh thuế, tịch thu hoặc trưng mua với giá rẻ mạt về những sản vật do dân khai thác. Chúng còn độc quyền về rượu, muối và thuốc phiện. Pháp thường lùng sục vào các làng để bắt "rượu lậu", "muối lậu". Ngoài sưu thuế người nông dân còn phải đi lính, đi phu chốn rừng thiêng, nước độc nhiều người thiệt mạng. Vì thế, nông thôn Thanh Chương luôn diễn ra cảnh lầm than, dồn nén bức xúc.

  • Chi bộ Đảng thành lập sớm:

Từ năm 1920 trở đi, nhất là từ sau năm 1925, nhiều người con ưu tú của Thanh Chương đã đi theo con đường cách mạng, tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc như: Đặng Thúc Hứa, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách, Đặng Thai Mai....

Dưới sự chỉ đạo của phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ, ngày 20/3/1930, đại biểu các chi bộ Cộng sản ở Thanh Chương đã tiến hành hội nghị, bầu ra Ban chấp hành lâm thời Huyện uỷ gồm các đồng chí: Tôn Gia Tinh, Hoàng Thuyết, Tôn Thi Quế, Trần Trạch, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Văn Đồng..... Đồng chí Tôn Gia Tinh bầu làm Bí thư. Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào yêu nước sôi nổi của nhân dân toàn huyện, từ đây phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Chương bước vào một giai đoạn mới. Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập càng khiến cho quần chúng phấn khởi, hăng hái thực hiện sứ mệnh lịch sử. Những chiến sỹ cách mạng vừa là người tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vừa là chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh lật đổ chế độ áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội mới, một xã hội không có người bóc lột người. Đây là cuộc đấu tranh mang tính tự giác, thể hiện bước chuyển biến rõ nhất về tư tưởng trong quần chúng.

Trước đây, công nông nổi dậy đấu tranh tự phát thì nay đã có tính tự giác, có tổ chức, liên hiệp, có chỉ đạo của phong trào.

2. Diễn biến phong trào

Cách đây 93 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hơn 2 vạn nông dân từ 5 tổng trên toàn huyện đã kéo về biểu tình tại huyện đường Thanh Chương với khí thế "rung trời, chuyển đất" buộc Tri huyện và nha lại phải bỏ chạy, chính quyền Xô viết của dân ra đời. Sự kiện này đã đi vào lịch sử như một mốc son đỏ thắm, trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương. Giá trị lịch sử truyền thống đó chính là nguồn lực nội sinh, là "sợi chỉ đỏ" đi cùng thế hệ hôm nay và mai sau. Chính quyền "đầu tiên và duy nhất" trong cao trào Xô viết ở Thanh Chương.

"Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước

Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên

Nam Đàn, Nghi Lôc, Hưng Nguyên

Anh Sơn, Hà Tĩnh, một phen dậy rồi."

"Bài ca cách mạng" - Đặng Chính Kỷ

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Nghệ An về việc phát động nhân dân đấu tranh nhân ngày quốc tế lao động 1/5, huyện uỷ Thanh Chương đã nhanh chóng tổ chức họp tại nhà đồng chí Trần Trạch (xã Võ Liệt) bàn phương án và kế hoạch đấu tranh. Hội nghị quyết định treo cờ búa liềm và rải truyền đơn khắp các làng xã, những nơi có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đưa yêu sách. Sáng ngày 1/5 gần 3000 nông dân các làng La Mạc, Hạnh Lâm, Đức Nhuận, Yên Lộc, Nhuận Trạch sau khi tập trung tại đình làng Thượng, nghe cán bộ Đảng diễn thuyết về ý nghĩa của ngày quốc tế lao động, đã kéo đến đồn điền Ký Viễn (tức Nguyễn Tường Viễn - một tên địa chủ kiêm tư sản có nhiều nợ máu với nhân dân) để đưa yêu sách, Ký Viễn run rợ chạy trốn. Sẵn có mâu thuẫn chất chứa từ lâu, nhân dân đã xông vào phá huỷ toàn bộ dinh cơ của hắn, trong phút chốc đồn điền ngập chìm trong khói lửa. Cùng ngày, hơn 100 học sinh trường Pháp - Việt đã tập trung tại quán Ngũ Phúc (xã Võ Liệt) tổ chức mít tinh và diễu hành thị uy qua huyện đường. Mấy ngày sau, bọn đế quốc tập trung binh lính đàn áp làm 17 nông dân bị chết và một số khác bị thương.

Từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1930, toàn huyện đã có 30 cuộc đấu tranh, biểu tình, thị uy đòi chính quyền ở huyện phải thả chính trị phạm, xoá án tử hình, giảm sưu thuế, trợ cấp cho những người đi làm.

Ngày 1/9/1930, cả Thanh Chương sục sôi khí thế cách mạng. Nhà giáo Trần Văn Thìn, nguyên Hiệu Trưởng trường THPT Đặng Thúc Hứa (xã Võ Liệt) cho biết, hơn 2 vạn người dân của 5 tổng: Cát Ngạn, Võ Liệt, Bích Hào (bên Hữu Ngạn), Xuân Lâm, Đại Đồng (bên tả ngạn vượt sông Lam qua bến đò Rộ) cùng kéo nhau về Huyện đường Thanh Chương để đấu tranh, với khí thế "như triều dâng, thác đổ".

Hai bên bờ sông Lam đò dọc, đò ngang, thuyền nan, nốc thúng được huy động nhất tề làm phương tiện giao thông cho nhân dân qua lại đúng thời gian và thời điểm tập kết. Cả Thanh Chương nổi dậy dóng lên tiếng trống ở đình Võ Liệt làm kinh hồn bọn đế quốc và tay sai. Trống được huy đông ở các đình làng, nhà thờ của dòng họ hoặc trong mỗi gia đình. Tiếng trống hoà vào âm thanh của tiếng hô đòi cơm áo, ruộng đất của quần chúng, hoà vào màu cờ đỏ búa liềm, cùng với tiếng tù và, tiếng trống đã làm áp đảo tinh thần quân thù. Tiếng trống được quần chúng nhân dân sử dụng như một vũ khí, góp phần tạo nên cơn bão táp cách mạng thời kì 30 - 31. Tại Bến Rộ, hàng ngàn người loay hoay tìm thuyền sang sông. Đồn trưởng Côngđôminat và Đội Dởn điên cuồng cho lính phong toả bến đò, binh lính lăm le súng, sẵn sàng bắn vào những ai cố gắng lên đò vượt sông. Khi đó, đồng chí Nguyễn Công Thường ở tổng Xuân Lâm dẫn đầu vượt sông để sang Võ Liệt thì bị thực dân Pháp bắn chết. Như lửa đổ thêm dầu, lòng căm thù của người dân vụt lên cao, quần chúng tự khắc phục phương tiện vượt sông, ồ ạt tiến vào huyện đường. Tri huyện, nha lại, lính tráng bỏ chạy lên đồn Thanh Quả. Dân chúng đốt hồ sơ, phá nhà giam, giải thoát tù chính trị, đập nát đại lý rượu ở chợ Rộ.... Họ kéo đến nhà tri huyện đập phá, đốt huyện đường (bao gồm cả tư thất quan lại), đánh chết con ngựa bạch của Bàng, đốt phá cả nhà Cửu Ngạc (cha đẻ Tri huyện Phan Sỹ Bàng) ở cửa phủ (thuộc xã Võ Liệt - cách huyện đường khoảng 2km). Chính quyền địch ở huyện và tổng xã tan rã nhanh chóng. Như rắn mất đầu các đồn Rào Giang, đồn chợ Đàng, đồn Bích Thị, đồn Thanh Quả, đồn Rạng lần lượt đầu hàng. Các quan lại và viên chức người Pháp ngày đêm sống trong tâm trạng lo âu. Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, một toán lính khố xanh từ Vinh kéo lên, bị quần chúng kéo đến bao vây. Bọn lính xin đầu hàng. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi ngoài dự kiến. Các tổ chức tự quản ở các xã được thành lập và hoạt động công khai.

Có thể nói, đây là hình thức đầu tiên của chính quyền công nông dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Toàn huyện Thanh Chương lúc đó có 35 chi bộ Đảng gồm 270 đảng viên lãnh đạo, chính quyền công nông tiến hành thực hiện ngay những quyền lợi cơ bản của quần chúng như xoá địa tô, bỏ sưu thuế.... Ở một số nơi chưa có phong trào thì chi bộ Đảng họp dân công khai và động viên nhân dân hưởng ứng phong trào cách mạng.

Báo Người lao khổ, số đặc biệt, ra ngày 6/9/1930 viết: "Ở Thanh Chương và Nam Đàn, không ai đi tuần, lính không về canh gác. Đế quốc chủ nghĩa bắt triệt hạ không ai thi hành. Anh em cứ tự do lập hội, tự do biểu tình. Thế là luật lệ đế quốc bị tan tành....".

Tỉnh uỷ Nghệ An đánh giá: "Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy ở An Nam bao giờ, đã đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kì đấu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kì công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do".

Máu của công nhân và nông dân đã đổ vào dịp kỉ niệm 1/5/1930. Nhưng sự đàn áp dã man của địch không dập tắt được phong trào. Khắp nơi, quần chúng họp mít tnh, truy điệu những người đã hy sinh để nung nấu thêm chí căm thù đế quốc, phong kiến và chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh mới.

Chỉ tồn tại trong bảy tháng, chính quyền Xô viết, dù còn sơ khai nhưng đã để lại nhưng dấu ấn tốt đẹp và một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng với khát vọng: Độc lập,Tự do cháy bỏng của người dân nô lệ. Báo Vô sản (Pháp) tháng 10/1931 đã đánh giá: "Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương".

Trong cuộc chiến đấu đầy khốc liệt ở Thanh Chương, một số cán bộ lãnh đạo đã hy sinh. Với dã tâm "Hữu Nghệ tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần", bọn thực dân, phong kiến đã "khủng bố trắng" khốc liệt. Nghệ Tĩnh - Thanh Chương bị chìm trong biển máu. Thanh Chương chiếm hơn 1/3 số tù chính trị của cả tỉnh. Đó là những tháng ngày đau thương bao trùm mảnh đất này. Nhưng chính kẻ địch đã vô tình bồi đắp thêm lòng yêu nước, căm thù giặc cao độ của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Công Thường bị địch bắn tại bến đò Nguyệt Bổng và nhiều đồng chí khác bị giặc giết và bắt đi tù. Riêng cuộc càn quét của địch ở Ngọc Lâm ngày 6/10/1930, bọn chúng đã giết cả phụ nữ có thai, 27 đồng chí bị địch thủ tiêu, một số đồng chí bị địch cắt cổ, bêu đầu ở ngã ba đường, ở chợ, để uy hiếp người theo Cộng sản. Đây là bản cáo trạng lên án bọn thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Kẻ thù càng đàn áp thì ngọn lửa căm thù càng bốc lên và tạo nên khí thế cho quần chúng vùng lên, nổi dậy, tấn công liên tục.

Xô viết Nghệ Tĩnh là điểm xuất phát của phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, Thanh Chương lại là đỉnh cao của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đó là một sự thực lịch sử được chứng minh bằng sự thật lịch sử, bằng sự hy sinh oanh liệt, bằng ý chí kiên cường của lòng dân, ý Đảng.

3. Ý nghĩa, tác động phong trào Xô viết Thanh Chương

  • Đối với huyện Thanh Chương:

Tri huyện chạy trốn, nộp triện lại cho chính quyền công nông, 35 lý trưởng đem sổ sách và con dấu nộp cho "Nông hội đỏ", 11 tên lý trưởng ngoan cố bị quần chúng xử lý, 1 tên tự sát, 1 tên bỏ trốn và 1 số lý trưởng giác ngộ quay về với quần chúng, đi theo cách mạng và được nông hội giao việc làm.... Chính quyền địch ở huyện và tổng xã tan rã nhanh chóng.

Đây là cuộc biểu tình lịch sử, mở đầu cho sự hình thành các Xã bộ nông ở thôn xã. Sau cuộc biểu tình đó, huyện đường tan hoang, như rắn mất đầu, nhiều lý trưởng đem triện bạ nộp cho xã bộ. Hầu hết các thôn xã trong huyện đều thuộc quyền cai quản của Xã bộ nông.

Được sự chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, quần chúng đã bắt tay vào tổ chức cuộc sống mới. Chính quyền Xô viết đã tịch thu ruộng đất công, tiễn lúa công của làng xã mà lâu nay bị bọn hào lý chiếm dụng, đem chia cho dân. Các lớp học quốc ngữ mở ra nhiều nơi, xoá mù chữ cho hàng ngàng người trong một thời gian không lâu. Đặc biệt, các hủ tục mê tín dị đoan, rượu chè cờ bạc, trộm cắp được đẩy lùi. Những người neo đơn, ốm đau, sinh đẻ.... được xã bộ chăm sóc giúp đỡ tận tình. Thật là một cuộc đời chưa từng có trong xã hội thực dân - phong kiến.

Với cuộc biểu tình vĩ đại 1/9/1930 và sự hình thành chính quyền Xô viết điển hình ở hầu khắp các làng xã trong huyện, Thanh Chương trở thành đỉnh cao nhất của Xô viết Nghệ Tĩnh cả nước.

  • Đối với cả nước:

Ảnh hưởng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao ở Thanh Chương đã vang dội trong cả nước và thế giới. Đánh giá về Xô viết Nghệ Tĩnh trong dịp kỷ niệm lần ngày 30 ngày thành lập Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào trong một biển máu, nhưng đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này".

Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn Thanh Chương là dấu son chói lọi trong kho sử vàng của Đảng ta, tạo nên sự vang dội trong lịch sử. Tuy bị dìm trong máu lửa nhưng qua cao trào đã rèn luyện, tập dượt lực lượng cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Thanh niên Thanh Chương - Nghệ An rất đỗi tự hào đã đóng góp công sức, xương máu trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào cách mạng Thanh Chương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nông dân và học sinh đã kề vai sát cánh với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trong tỉnh và trong cả nước chống lại áp bức bóc lột đế quốc và tay sai.

Đến nay, dẫu hơn 9 thập kỉ trôi qua nhưng thanh âm của tiếng trống Xô viết 1930 - 1931 vẫn mãi vang vọng trên mảnh đất Thanh Chương, nhất là mỗi dịp tháng 9 về. Đặc biệt, tấm gương những thanh niên cách mạng thế hệ đầu tiên đã không tiếc xương máu xả thân vì nước, vì dân cách đây 93 năm mãi là động lực thúc giục lớp lớp thế hệ thanh niên hậu bối sống sao cho xứng đáng.